Dù đầu tuần giá gạo toàn cầu vẫn tiếp đà giảm song việc Indonesia công bố mở thầu 300.000 tấn gạo được cho là yếu tố tích cực giúp giá gạo sớm tăng lại. Trong khi đó, một số thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam lại đang có xu hướng giảm nhập khẩu hoặc đa dạng hóa nguồn cung, đòi hỏi ngành lúa gạo cần sớm có định hướng mới trong vấn đề mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhiều yếu tố gây áp lực lên giá gạo Việt
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 8/4), giá gạo thế giới tiếp tục sụt giảm ở tất cả các phân khúc.
Cụ thể, gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan giảm 10 USD, xuống 571 USD/tấn; gạo cùng phẩm cấp của Pakistan cũng giảm 10 USD, còn 591 USD/tấn; gạo cùng loại của Việt Nam cũng giảm nhưng chỉ sụt nhẹ 1 USD, xuống mức 576 USD/tấn. Với mức giảm hiện tại, gạo tiêu chuẩn 5% tấm của thế giới đã chính thức dời mốc 600 USD/tấn.
Ở phân khúc 25%, gạo Việt Nam hiện còn 554 USD/tấn (giảm 4 USD); gạo Thái Lan giá 526 USD/tấn (giảm 10 USD); gạo Pakistan có giá 549 USD/tấn (giảm 5 USD).
Về nguyên nhân giá gạo toàn cầu tiếp tục giảm, theo VFA do yếu tố mùa vụ tại các nước xuất khẩu ở châu Á và đồng nội tệ giảm giá so với USD.
Cụ thể, tại Việt Nam, do vùng trồng lúa lớn nhất cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang trong chính vụ thu hoạch lúa Đông Xuân và đồng nội tệ giảm giá so với USD.
Còn ở Thái Lan, nhu cầu mới vắng mặt trong khi đó lượng lúa gạo hàng hóa về nhiều hơn bởi nước này đang trong thời điểm rộ vụ. Ngoài ra, giá gạo Thái Lan giảm mạnh còn do tác động từ đồng baht Thái suy yếu so với đồng USD. “Đây là những nhân tố chính gây áp lực giảm giá lên nguồn cung của Thái Lan”- báo cáo của VFA cho biết.
Còn Pakistan, giá nội địa và giá chào gạo các loại đều đi xuống do áp lực giảm giá chung từ các nguồn cung lớn trong khu vực.
Nhận định về thị trường gạo hiện nay, một thương nhân xuất khẩu gạo tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu vẫn tốt nhưng người mua chỉ đưa ra mức giá thấp hơn.
Tuy vậy, thương nhân này cũng nói rằng, vụ thu hoạch Đông – Xuân lớn nhất trong năm đang diễn ra sẽ kết thúc sau hơn một tuần nữa. Dự kiến, khi vụ thu hoạch sắp kết thúc, giá sẽ sớm tăng trở lại.
Một yếu tố nữa được nhận định sẽ tác động tích cực lên giá gạo, đó là Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) gần đây đã thông báo mở thầu quốc tế mua 300.000 tấn gạo.
Theo các báo cáo từ VFA, năm 2024, Bulog được cấp hạn ngạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo, nhưng do vụ thu hoạch lớn vào tháng 3 và 4 bị trễ đến 2 tháng nên Chính phủ Indonesia đã phân bổ hạn ngạch nhập khẩu gạo bổ sung 1,6 triệu tấn cho năm nay. Như vậy, tổng hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 của Indonesia lên đến 3,6 triệu tấn gạo.
Các thông tin cũng cho biết, tính đến nay, Indonesia đã nhập khẩu 650.000 tấn gạo và ký hợp đồng nhập khẩu thêm 350.000 tấn gạo cho năm 2024. Theo Giám đốc điều hành của Bulog, một nửa lượng nhập khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam và phần còn lại từ Thái Lan, Pakistan và Campuchia.
Được biết, trong đợt công bố thầu hồi cuối tháng 3/2024 của Bulog, doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 108.000 tấn gạo. Kết quả này ngay sau đó được cho là đã tác động tích cực lên thị trường lúa gạo trong nước, đẩy giá tăng đáng kể. Do đó nếu đợt mở thầu 300.000 tấn gạo lần này doanh nghiệp Việt Nam thắng thầu với số lượng lớn thì chắc chắn giá gạo trong nước sẽ tăng lên bởi Việt Nam hiện vào cuối vụ thu hoạch nguồn cung không còn dồi dào như trước và có thể khó mua được hàng.
Nhiều quốc gia chủ trương giảm nhập khẩu
Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết: Theo dự báo, nhu cầu tiêu dùng gạo của Philippines tăng nhẹ trong năm 2024. Tuy nhiên, do nguồn cung nội địa tăng, cộng với việc đa dạng nguồn cung nhập khẩu cho nên khả năng Philippines sẽ giảm lượng gạo nhập khẩu từ một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Năm 2023, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu vào Philippines chiếm hơn 80% tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này; trong khi đó, gạo từ một số quốc gia khác lại ghi nhận sự tăng mạnh về tỷ trọng tại Philippines. Cụ thể, gạo nhập khẩu từ Thái Lan là 230.559,43 tấn, chiếm 26% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines, gạo nhập khẩu từ Pakistan là 109.803,5 tấn, chiếm 12,4%.
Ngoài ra, Philippines còn nhập khẩu gạo từ Myanmar với số lượng 48.960 tấn; Campuchia 1.620 tấn; Nhật Bản 1.815,37 tấn; Ấn Độ 235,5 tấn và từ Italia 6,6 tấn. Đây là tín hiệu và là sự cảnh báo đối với gạo Việt Nam tại thị trường Philippines khi gạo các quốc gia khác bắt đầu gia tăng thị phần.
Mặt khác, năng suất và sản lượng lúa gạo của Philippines năm 2024 dự báo cũng sẽ được cải thiện hơn so với trước. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán sản xuất gạo của Philippines sẽ đạt 12,125 triệu tấn nhờ hiện tượng El Nino sẽ giảm vào tháng 4 và tháng 5/2024, đồng thời với chương trình hỗ trợ ngành sản xuất lúa gạo sử dụng phân bón và giống tốt của Chính phủ sẽ phát huy hiệu quả. Chính phủ Philippines, thông qua Bộ Nông nghiệp đã hỗ trợ 30,8 tỷ pesos cho người trồng lúa trên cả nước. Số tiền này cao hơn rất nhiều so với mức 15,8 tỷ pesos mà Bộ Nông nghiệp đã nhận được và triển khai hỗ trợ người trồng lúa năm 2022.
Trong khi đó, thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, Chính phủ Indonesia cũng đã quyết định tăng phân bổ ngân sách năm nay cho chương trình trợ cấp phân bón thêm 28 nghìn tỷ Rp (khoảng 1,77 tỷ USD) lên 54 nghìn tỷ Rp (khoảng 3,41 tỷ USD) như một phần trong nỗ lực tăng năng suất sản xuất nông nghiệp ở nước này. Với sự bổ sung tài chính, nông dân dự kiến sẽ tăng tốc độ trồng trọt và tăng sản lượng trong nước để giúp đất nước đạt được mục tiêu tự chủ cung cấp lương thực.
Dự báo, tổng sản lượng gạo của Indonesia trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ đạt 17,09 triệu tấn, cao hơn so với nhu cầu tiêu dùng được dự đoán ở mức 15,39 triệu tấn. Do đó, việc điều chỉnh lượng gạo nhập khẩu của quốc gia này hoàn toàn có thể xảy ra khi nguồn cung trong nước dồi dào hơn. Indonesia hiện là quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, năm 2023 đạt hơn 1,1 triệu tấn, trị giá hơn 640 triệu USD.
Tại thị trường châu Phi – khu vực nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam cũng đang được hỗ trợ sản xuất lúa gạo thông qua dự án đến từ các quốc gia khác để giúp các nước này đạt được khả năng tự cung, tự cấp trong sản xuất lương thực. Thí dụ như Chính phủ Hàn Quốc đã sản xuất hơn 2.300 tấn hạt giống lúa gạo Hàn Quốc tại sáu quốc gia châu Phi nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo. Hàn Quốc đặt mục tiêu tăng sản lượng hạt giống lúa năng suất cao hằng năm ở các nước này lên 10.000 tấn vào năm 2027 và cung cấp cho nông dân ở tất cả các nước châu Phi.
Việc một số thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm của Việt Nam như Philippines, Singapore… đạt được thành công bước đầu trong đa dạng hóa nguồn cung gạo cũng như tăng năng suất, sản lượng lúa trồng hằng năm, chính điều này đã làm cho gạo Việt Nam giảm vị thế và ngày càng bị cạnh tranh gay gắt hơn với các quốc gia xuất khẩu khác. Do vậy, tìm kiếm và gia tăng thị phần tại các thị trường xuất khẩu mới là một trong những hướng đi mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần hướng tới.
(Theo Thuongtruong.com.vn)