Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng này tăng gần 13% so với tháng trước, trong khi xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 5,7%. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ giá khó hạ nhiệt dù chỉ số DXY giảm.
Trong tháng này, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,6 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 32,8 tỷ USD tăng 5,7% so với tháng trước. Còn nhập khẩu đạt 33,8 tỷ USD, tăng 12,8%.
Sau một thời gian dài xuất siêu, cán cân thương mại tháng nay nhập siêu trở lại ước tính 1 tỷ USD.
Tổng cục Thống kê cho biết đây là số liệu do Tổng cục Hải quan cung cấp ngày 28/4/2024.
Tính chung năm tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,5 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,01 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu ước đạt 156,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp trong nước xuất tăng 20,5%, trong khi doanh nghiệp FDI xuất tăng 13,3%.
Từ đầu năm đến nay có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất trên 1 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó có bảy mặt hàng trên 5 tỷ USD gồm điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm từ gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết khác với tình hình ảm đạm của năm trước, xuất khẩu dệt may năm nay có nhiều khởi sắc rõ rệt. Doanh nghiệp đã đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết hết quý III và đang đàm phán thêm đơn hàng cho quý IV.
Với đà này, nhiều nhận định đưa ra, mục tiêu xuất khẩu dệt may cả năm khoảng 44 tỷ USD hoàn toàn khả thi.
Về tốc độ tăng trưởng, 12 mặt hàng phát tín hiệu tích cực với mức tăng kim ngạch xuất khẩu trên 20%.
Đáng chú ý là xuất khẩu sang hầu hết các khu vực thị trường tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường có ký kết các FTA với Việt Nam.
Cụ thể, sang ASEAN tăng 12%; sang Nhật Bản tăng 4,7%, Hàn Quốc tăng 12,8%, EU tăng 16,1%, Australia tăng 23%.
Việt Nam trong năm vừa qua đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 2 đối tác lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong đó thương mại được coi là một trụ cột quan trọng.
Xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm tháng đầu năm đạt 22,6 tỷ USD, tăng 10,2%; sang Hoa Kỳ đạt 44 tỷ USD tăng 21%.
Mặt khác, nhập khẩu năm tháng đầu năm nay ước đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp trong nước tăng nhập khẩu 24,2% và doanh nghiệp FDI tăng 15%.
Trong đó, bốn mặt hàng được nhập khẩu trên 5 tỷ USD gồm điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; vải; sắt thép.
Mặt khác, 15 mặt hàng ghi nhận kim ngạch nhập khẩu tăng trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xu hướng nhập khẩu phục hồi mạnh kể từ đầu năm đến này được các chuyên gia nhận định là một trong những yếu tố chính tác động lên tỷ giá. Nhu cầu mua ngoại tệ gia tăng, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước.
Trong suốt một tháng qua, giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh và liên tục ‘quanh quẩn’ với mức kịch trần cho phép, bất chấp Ngân hàng Nhà nước nhiều lần thực hiện bán ngoại tệ để can thiệp và chỉ số USD Index (DXY) giảm sâu 1,5%.
(Theo Theleader.vn)