Indonesia cho biết đã có đủ 750.000 tấn gạo dự trữ để đáp ứng nhu cầu trong nước và khẳng định sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo từ Việt Nam và một số quốc gia khác để đảm bảo an ninh lương thực.
Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa thông báo đã có đủ 750.000 tấn gạo dự trữ ở các kho thuộc quản lý cơ quan này trên khắp Indonesia. Bulog khẳng định số gạo dự trữ hiện nay của Indonesia đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngay cả khi hiện tượng El Nino có tác động đến hoạt động canh tác nông nghiệp nước này.
Bà Febby Novita, Giám đốc phụ trách vấn đề kinh doanh của Bulog, nhấn mạnh Bulog đang triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo nguồn dữ trữ gạo cho Indonesia và ổn định giá gạo bán lẻ trên thị trường nội địa.
Tuyên bố trên của Bulog được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ – quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vừa tuyên bố tạm dừng xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực trên toàn cầu, đặc biệt là những quốc gia phụ thuộc vào nguồn gạo nhập khẩu.
Nhiều hãng kinh doanh gạo quốc tế và các chuyên gia ngành hàng nhận định giá gạo tại khu vực châu Á có thể đạt mức trung bình 600 USD/tấn, thậm chí 700 USD/tấn đối với các loại gạo chất lượng cao trong thời gian tới do tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng trên toàn cầu.
Cuối tuần trước, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan đạt 545 USD/tấn – mức cao nhất kể từ tháng 2/2021. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 525 USD/tấn – mức cao nhất 12 năm trở lại đây.
Xem thêm: “Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu Việt Nam có thể lên tới 700 USD/tấn” trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Indonesia là quốc gia có sản lượng lúa gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng dự kiến nước này sẽ cần nhập khẩu đến 2 triệu tấn gạo trong năm nay do lo ngại thiếu hụt nguồn cung nội địa. Đây sẽ là mức nhập khẩu gạo lớn nhất của Indonesia trong 10 năm trở lại đây.
Cuối quý 1/2023, lượng dự trữ gạo quốc gia của Indonesia chỉ còn khoảng 0,23 triệu tấn, thấp hơn rất nhiều so với mức 1,5 triệu tấn – ngưỡng dự trữ gạo quốc gia tối thiểu của nước này.
Nhiều cơ quan tại Indonesia hiện cảnh báo nếu như Bulog không đảm bảo nguồn cung gạo dồi dào trên thị trường nước này trong những tháng tới sẽ khiến giá gạo tăng vọt do tâm lý tích trữ cũng như khan hiếm nguồn cung.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu 0,49 triệu tấn gạo với tổng trị giá 244 triệu USD sang Indonesia, lần lượt tăng 14 lần về lượng và tăng 15 lần về kim ngạch so với nửa đầu năm 2022. Bulog hiện cho biết sẽ vẫn tiếp tục nhập khẩu gạo từ Việt Nam, Thái Lan và một số quốc gia khác để đảm bảo nguồn cung gạo.
Trong tháng 4 vừa qua, ông Budi Waseso – Giám đốc điều hành Bulog cho biết: “Myanmar, Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ là những quốc gia mà Indonesia đang hướng đến để thực hiện kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm nay. Các hợp đồng hợp tác với năm quốc gia đối tác sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn dựa trên tình hình cung ứng lương thực trên thị trường nội địa Indonesia. Cho đến nay, các hợp đồng với 5 quốc gia vẫn đang được lên kế hoạch, thời gian vận chuyển từ các nước đối tác đến Indonesia có thể mất từ 10 – 15 ngày, tùy thuộc vào thời tiết”. |
(Theo Tapchicongthuong.vn)