Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 3 năm 2024 đạt 58.922 tấn, tương đương 315,4 triệu USD, tăng mạnh 121,6% về lượng và tăng 122,3% về kim ngạch so với tháng trước đó. Đây cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất trong tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Kết thúc quý I/2024, nước ta xuất khẩu 150.683 tấn hạt điều, thu về hơn 808,8 triệu USD, tăng 35,4% về lượng và tăng 24,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu hạt điều bình quân đạt 5.368 USD/tấn, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024, đạt 39.142 nghìn tấn, trị giá hơn 208 triệu USD, tăng 35,3% về lượng và tăng 23% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 3, Việt Nam xuất khẩu sang xứ cờ hoa 16.139 tấn hạt điều, tương đương 86,8 triệu USD, tăng 23,3% về lượng và tăng 51,8% về kim ngạch so với tháng 3/2024. Giá xuất khẩu bình quân đạt 5.315 USD/tấn, giảm 9% so với cùng kỳ.
Xếp thứ 2 là thị trường Trung Quốc, nhập khẩu 23.537 tấn hạt điều từ Việt Nam trong quý 1/2024, tăng mạnh 102,5% về lượng và tăng 74,5% về giá trị. Giá xuất khẩu đạt 5.576 USD/tấn, giảm 13,8% so với cùng kỳ.
Trung Quốc đặc biệt ưa thích hạt điều của Việt Nam hơn cả hàng nội địa. Do thổ nhưỡng địa phương sâu, tơi xốp, chứa nhiều khoáng chất nên so với hạt điều của các nơi khác, hạt điều Việt Nam mẩy, nhân ngon hơn, tỷ lệ hạt xấu thấp hơn. Nguồn cung từ Việt Nam luôn chiếm hơn 70% tổng lượng nhập khẩu.
Hà Lan là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 3 của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm. Việt Nam cung cấp cho thị trường này 10.285 tấn hạt điều, tương đương hơn 57,4 triệu USD, tăng 3,5% về lượng nhưng giảm 5,3% về kim ngạch so với quý 1/2023. Giá xuất khẩu bình quân cũng chịu xu hướng giảm, đạt 5.588 USD/tấn, giảm 8,4% so với cùng kỳ.
Ngoài top 3, nhiều thị trường khác thuộc châu Âu và châu Á cũng tích cực nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam, cho thấy sự phục hồi sau khi sụt giảm trong tháng 2.
Việt Nam đang giữ vững vị trí số 1 thế giới 16 năm liền về xuất khẩu điều nhân khi chiếm tới gần 80% tổng sản lượng toàn cầu.
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho hay, nguyên nhân giá xuất khẩu hạt điều giảm gần đây là do sản lượng điều nguyên liệu tăng nhanh tại Campuchia và các quốc gia ở châu Phi. Trong khi đó, diện tích trồng điều tại Việt Nam lại đang bị thu hẹp do người dân chuyển đổi sang cây trồng khác.
Các chuyên gia dự báo ngành điều sẽ có triển vọng tốt trong năm 2024, thị trường toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. Xu hướng ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật trên toàn cầu đã làm cho nhu cầu về các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt tăng cao; trong đó có hạt điều.
Khu vực châu Á sẽ là thị trường trọng điểm của ngành điều do ít bị tác động bởi các cuộc xung đột. Thị trường Mỹ cũng được dự báo khả quan. Một số khách hàng của ngành điều Việt Nam tại Mỹ cho biết sức mua đã bắt đầu khởi sắc, tồn kho đang giảm, cho thấy kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi.
Ngoài ra, không chỉ là món ăn vặt thơm ngon, hay là nguyên liệu tạo nên món ăn đặc sắc, hạt điều còn là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời đối với sức khỏe con người. Trong hạt điều chứa rất nhiều các vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa. Chúng bao gồm vitamin E, K, B6, cùng với các khoáng chất như đồng, phốt pho, kẽm, magie, sắt và selen, tất cả đều rất quan trọng cho việc duy trì tốt các chức năng cơ thể.
(Theo Nhịp Sống Thị Trường)