Hơn 30 năm hình thành và phát triển, ngành điều VN vẫn đang giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến, xuất khẩu hạt điều. Thế nhưng vị trí này đang lung lay dữ dội khi miếng bánh ngày càng thu hẹp.
Đáng lo hơn, dù kim ngạch xuất khẩu đến hàng tỉ USD nhưng nội lực của các doanh nghiệp (DN), giá trị gia tăng mang về rất khiêm tốn.
Những cuộc ra đi
5 năm trước, Nhà máy P.A là một trong những cơ sở chế biến hạt điều được đầu tư hiện đại, quy mô lớn, nổi tiếng nhất ở vùng Phước Long (Bình Phước). Lãnh đạo địa phương xem đây là dự án đáng để tự hào, là mô hình để “khoe” khi có các đoàn khách đến tham quan. Huy, giám đốc Công ty P.A, luôn hào phóng với tất cả những người xung quanh, bởi thương hiệu đã được khách hàng nước ngoài biết đến, nguồn thu nhập từ xuất khẩu khá ổn định. Nhưng từ năm 2018, tình hình tiêu thụ điều thô trên thế giới bắt đầu biến động, giá điều thô nhập khẩu cao trong khi giá bán nhân điều lại không được điều chỉnh tương ứng. “Xù” hợp đồng thì mất uy tín, trong khi cắn răng thực hiện đúng cam kết thì lỗ nặng. Năm đó Công ty P.A của Huy bắt đầu nếm mùi thua lỗ, chỉ vài năm sau nhà máy đã phải bán tống bán tháo để trả nợ ngân hàng.
Ông Vũ Thái Sơn, Tổng giám đốc Công ty Long Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, người có kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành kinh doanh hạt điều, nhìn nhận: “Ngành điều VN có một quá trình phát triển hàng chục năm, từ con số 0 đến nay đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD là sự nỗ lực phấn đấu của cộng đồng DN. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi có quá nhiều công ty tham gia, nhiều cơ sở chỉ ở quy mô vừa và nhỏ, thậm chí đi lên từ các lò chẻ thủ công. Vốn ít, DN điều chỉ cần vài cơn sóng gió là phá sản nhưng lần lượt hết người này đến người khác, ngành điều vẫn thu hút khá nhiều DN lao vào kinh doanh. Điều đó khiến lợi nhuận thật sự của ngành điều càng ngày càng giảm sút. Cụ thể, trong khi các ngành khác lợi nhuận bình quân 10% thì ngành điều dù cho quản trị tốt thì lợi nhuận 2 – 3% là giỏi lắm rồi”.
Theo Hiệp hội Điều VN (VINACAS), năm 2023, xuất khẩu điều nhân của VN đạt 645.316 tấn, tăng 24,33% so với 2022. Đây là kỷ lục mới trong lịch sử ngành điều VN (trước đây, lượng điều nhân xuất khẩu cao nhất là vào năm 2021 với 609.260 tấn). Đây là một sự tăng trưởng vượt bậc trong chế biến. Tuy nhiên, theo lãnh đạo VINACAS, điều đáng nói là đằng sau sự tăng trưởng về lượng ấy, nhiều DN càng làm càng lỗ. Nguyên nhân các DN khi mua điều thô thì tranh nhau mua vì nghĩ rằng mua sớm chất lượng tốt, đến khi chế biến nhân mang đi bán thì lại cạnh tranh nhau để bán, vì vậy giá điều nhân giảm sâu. Người mua chỉ cần nhìn động thái là biết ngay lúc nào VN buộc phải bán để ép giá. Hậu quả, trong năm 2023, có hàng trăm DN ngành điều phải từ giã cuộc chơi, đóng cửa tạm ngừng sản xuất hoặc thông báo phá sản.
Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi có quá nhiều công ty tham gia, nhiều cơ sở chỉ ở quy mô vừa và nhỏ, thậm chí đi lên từ các lò chẻ thủ công. Điều đó khiến lợi nhuận thật sự của ngành điều càng ngày càng giảm sút. Cụ thể, trong khi các ngành khác lợi nhuận bình quân 10% thì ngành điều dù cho quản trị tốt thì lợi nhuận 2 – 3% là giỏi lắm rồi.
(Theo Thanhnien.vn)